Máy thử đường huyết cầm tay hay còn được gọi là thiết bị xét nghiệm nhanh tại chỗ (POCT: Point of care testing) ngày càng được sử dụng rộng rãi do tính tiện lợi của nó, cho ra kết quả xét nghiệm nhanh, kỹ thuật thực hiện đơn giản. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi liệu kết quả xét nghiệm được cho ra từ loại thiết bị này có đáng tin cậy để theo dõi mức đường huyết, làm cơ sở để bác sĩ của bạn kê đơn thuốc hoặc thay đổi phác đồ điều trị?
Theo các chuyên gia về lĩnh vực xét nghiệm, việc đảm bảo chất lượng cho các thiết bị POCT này phải được quyết định bởi hệ thống Phòng Xét Nghiệm Trung Tâm có đủ điều kiện để xác nhận giá trị sử dụng cho thiết bị. Việc xác nhận này phải được thực hiện định kỳ, còn gọi là hiệu chuẩn thiết bị và làm mỗi ngày, trước khi trả kết quả xét nghiệm bằng cách sử dụng mẫu kiểm tra chất lượng (QC materials).
Các chuyên gia còn đưa ra lời khuyến nghị rằng chỉ những người đã qua đào tạo có chứng nhận mới được phép sử dụng thiết bị. Thiết bị không được phép dùng trong phân tích cho mẫu bệnh nhân nếu không chạy mẫu QC và đảm bảo kết quả mẫu QC chấp nhận được.
Như vậy, qua phân tích trên cho thấy rõ việc lựa chọn thiết bị rất quan trọng để cho ra một kết quả xét nghiệm chính xác trong chẩn đoán và điều trị.
Với xét nghiệm đường huyết lại vô cùng quan trọng. Để có thể đi đến kết luận bạn có bị tiểu đường hay không thì theo Hiệp Hội Đái Tháo Đường Hoa Kỳ (ADA: American Diabetes Association) có 1 trong 4 tiêu chuẩn được đề xuất sau đây:
- Đường huyết lúc đói > 7.0 mmol/L
- Đường huyết ngẫu nhiên > 11.1 mmol/L
- Đường huyết sau 2 giờ uống 75g glucose > 11.1 mmol/L
- HbA1c > 6.5 mmol/L
Tất cả 4 tiêu chuẩn trên đều cho biết kết quả mức đường huyết của một người và được thực hiện bởi một phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Xét nghiệm đường huyết còn được bác sĩ lâm sàng sử dụng để theo dõi bệnh nhân, điều chỉnh thuốc điều trị, tiên lượng bệnh, phòng ngừa biến chứng. Một lần nữa lại cho thấy vai trò của kết quả xét nghiệm trong khám chữa bệnh là rất cần thiết. Vì vậy, khi bạn và người thân có nhu cầu kiểm tra đường huyết phải nên cân nhắc khi chọn thiết bị làm xét nghiệm.
*Tài liệu tham khảo:
- Tạ Thành Văn (2021), Hóa Sinh Lâm Sàng, NXB Y Học.
- Nguyễn Đạt Anh, Nguyễn Thị Hương (2013), Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng, NXB Y Học.
- Geoffrey Kellerman, Đỗ Đình Hồ, Nguyễn Thy Khuê – Những kết quả xét nghiệm bất thường, NXB Y Học (2011).
- American Diabetes Association Clinical Practice Recommendations (2010).
ThS. Nguyễn Vũ Lam Yên – Cố vấn chuyên môn Trung tâm Xét nghiệm Y khoa YESLAB –
GV Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch