Theo Hiệp hội Đái Tháo Đường Thế giới (International Diabetes Federation – IDF) năm 2021 toàn thế giới có khoảng 537 triệu người trưởng thành đang sống chung với bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), tương ứng với tỷ lệ cứ 10 người có 1 người mắc ĐTĐ. Tổng số người mắc bệnh ĐTĐ dự kiến sẽ tăng lên 643 triệu người vào năm 2030 và đến năm 2045, dự báo của IDF cho thấy khoảng 783 triệu người sẽ mắc bệnh ĐTĐ, tương ứng cứ 8 người thì có 1 người mắc bệnh, tăng 46% 1.
Đái tháo đường cũng là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, làm gia tăng gánh nặng y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Do đó, ĐTĐ đã trở thành một vấn đề sức khỏe cần được đặc biệt quan tâm.
Dưới đây là biểu đồ minh hoạ tình hình mắc ĐTĐ tại Việt Nam theo dữ liệu từ một báo cáo của IDF.1
People with diabetes, in 1,000s
Bệnh ĐTĐ là gì?
Bệnh đái tháo đường là một bệnh mạn tính xảy ra khi tuyến tụy trong cơ thể không sản xuất đủ lượng hormon tên là Insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả lượng Insulin đã tạo ra dẫn đến tăng đường huyết.
Triệu chứng sớm khi cơ thể đang trong tình trạng tăng đường huyết là uống nhiều, khát nhiều, tiểu nhiều và mệt mỏi. Biến chứng muộn có thể bao gồm bệnh mạch máu, bệnh thần kinh ngoại vi, bệnh thận và dễ nhiễm khuẩn.2
Xét nghiệm là cách duy nhất để xác định lượng đường trong máu có cao hay không. Nếu xét nghiệm định kỳ chỉ ra mức đường (glucose) trong máu bất thường, bạn có thể sẽ được yêu cầu làm thêm một vài xét nghiệm khác để khẳng định bạn có mắc ĐTĐ hay không, như là xét nghiệm đường huyết lúc đói (FBS), HbA1c, đường huyết sau ăn 2 giờ, nghiệm pháp dung nạp đường huyết. Không nên bỏ qua khi bạn có kết quả lượng đường trong máu tăng cao.
Dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường2,3
Có một số dấu hiệu sau đây, nhưng điều cần thiết bạn phải làm là xét nghiệm đường huyết trước khi bác sĩ của bạn có thể đưa ra chẩn đoán chính xác, bao gồm:
- Nhìn mờ
- Da khô, ngứa
- Khát và đói nhiều
- Đi tiểu nhiều
- Mệt mỏi
- Suy giảm trí nhớ
- Tăng huyết áp
- Có vết thương lâu lành
Điều trị đường huyết cao thế nào?
Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ giành cho bạn là cách tốt nhất, sử dụng thuốc đúng loại, đủ liều phối hợp với lối sống lành mạnh, điều chỉnh chế độ ăn, bổ sung đầy đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết, tập thể dục,…thì bệnh ĐTĐ sẽ được kiểm soát hiệu quả.
Có thể kết hợp với các chế phẩm bổ sung để giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên, bạn cần trao đổi với bác sĩ của bạn về các loại chế phẩm bạn đang dùng để bác sĩ có thể theo dõi, điều chỉnh liều thuốc tránh làm hạ đường huyết xuống quá thấp. Một số chế phẩm như dưới đây3:
- Chiết xuất tỏi già: 600 mg, ngày 1 – 3 lần
- Việt quốc đen: 80 mg, ngày 2 – 3 lần
- Khổ qua (mướp đắng): 250 – 500 mg, ngày 2 lần
- Quế: 250 mg, ngày 2 lần
- Magie: 250 – 500 mg, ngày 2 lần
- Kẽm: 25 – 50 mg, ngày 1 lần
- Vitamin tổng hợp: Thực hiện theo hướng dẫn sử dụng trên nhãn hộp thuốc
- Chất xơ: Nữ 25 g/ngày, nam 30 g/ngày
Xét nghiệm định kỳ để có được các thông tin liên quan đến sức khoẻ nhanh chóng và chính xác giúp chúng ta hiểu rõ tình trạng sức khoẻ của bản thân, qua đó có kế hoạch phòng ngừa những bệnh có khả năng xảy ra, giúp điều trị kịp thời, thành công các bệnh hiểm nghèo.
Xét nghiệm luôn luôn là cơ sở của y học hiện đại./.
ThS. Nguyễn Vũ Lam Yên – Cố vấn chuyên môn
GV Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch
*Tài liệu tham khảo:
- IDF Diabetes Atlas 10th Edition. (n.d.). International Diabetes Federation. https://diabetesatlas.org/data/en/
- Tomkins M, Lawless S, Martin-Grace J, Sherlock M, Thompson CJ. Diagnosis and Management of Central Diabetes Insipidus in Adults. J Clin Endocrinol Metab. 2022 Sep 28;107(10):2701-2715. doi: 10.1210/clinem/dgac381. PMID: 35771962; PMCID: PMC9516129.
- James B. Lavalle, Đọc hiểu kết quả xét nghiệm máu, 2021, NXB Đại Học Huế.